Lâu lắm mới thấy Bảo Chung xuất hiện trở lại trong VDC hài Xuân 2007. Vẫn ánh mắt trẻ trung, nụ cười dí dỏm, chất giọng truyền cảm và dáng đi linh hoạt, mềm dẻo, trông anh tươi mới, thân thiện và gần gũi. Thế nhưng ngoài đời, anh thâm trầm và không hề biết nói đùa.
Lên 5 tuổi, Bảo Chung đã được đưa vào chùa, cạo đầu làm chú tiểu. Ai cũng tưởng đã yên phận một kiếp người nào ngờ năm 11 tuổi, anh lặng lẽ rời chùa bước ra đời. Trong tiềm thức, kỷ niệm về người mẹ yêu đêm nào cũng dẫn anh đi xem hát luôn tràn ngập. Ngày người mẹ và cũng là người thân cuối cùng vĩnh viễn nhắm mắt lìa xa cũng là lúc anh hiểu được thế nào là nỗi đau khổ tận cùng, để rồi sau đó, trải qua bao sóng gió anh vẫn thấy không điều gì có thể sánh được với nỗi đau đầu đời ấy.
Sống lăn lóc trong một gánh hát vô danh, cậu bé 13 tuổi Bảo Chung sáng đi học văn hóa, chiều làm sắp chữ trong nhà máy in, tối đi học cổ nhạc để thỏa niềm đam mê ca hát. Năm 17 tuổi, Bảo Chung chuyển sang học tân nhạc nhưng cũng chỉ để cùng bạn bè đàn hát chơi vậy thôi chứ không nghĩ sẽ hành nghề kiếm tiền. Sau giải phóng, không biết làm gì, anh kiếm một chân kép cải lương trong đoàn hát Tiếng Chuông theo lời rủ rê của bè bạn. Lúc đó, anh không thể ngờ rằng, mình bị dính luôn với nghiệp cầm ca đến giờ.
Trong chặng đường 25 năm gắn bó với nghề, đã có hơn nửa quãng thời gian Bảo Chung sống trong nhọc nhằn, bế tắc. Suốt 10 năm lặp đi lặp lại cái cảnh ngày bơm gas hộp quẹt, đêm đi hát, có lúc anh tưởng không sống được phải bỏ nghề. Nhưng sân khấu kịch Sài Gòn đã giữ anh lại.
Nghệ sĩ Bảo Chung.
Năm 1980, Bảo Chung chuyển qua diễn hài thì mãi đến năm 1991 anh mới khẳng định được tên tuổi qua vở diễn Chắp cánh chim bằng của tác giả Thanh Điền - Thanh Kim Huệ. Thành công đến đồng nghĩa với sự thay đổi của số phận. Tháng trước, anh còn đi xe honda với giá vỏn vẹn 1 chỉ vàng, nhiều khi phải cuốc bộ vì không đủ tiền đổ xăng, tháng sau, anh mua xe hơi cái rụp. Đến giờ, Bảo Chung vẫn không hiểu nổi và không hình dung được cuộc đời mình lại thay đổi nhanh đến vậy. Anh đã lấy cái mốc đó để đánh dấu những ngày khốn khổ, bươn chải một mình và âm thầm giúp đỡ những ai chưa tên tuổi.
Anh bảo, có những danh hài sau này là một tay anh giúp hết nhưng nói ra kỳ lắm vì có giúp đến đâu chăng nữa thì vẫn phải dựa vào một chữ "Duyên". Chẳng thế mà có nhiều người theo nghề ngót nghét 40-50 năm vẫn mãi không khẳng định được tên tuổi. Ngay cả bản thân anh, sau 15 năm gắn bó với sân khấu mà không lên được là đã nản lòng lắm rồi. Giờ ngẫm lại mới thấy khoảng thời gian học nghề đó rất quý giá. Nếu anh bỏ cuộc theo người ta đi hát chỉ để lĩnh lương tháng, trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì chắc anh sẽ không có được sự nghiệp như ngày hôm nay.
"Lên" đã khó, giữ vững được tên tuổi lại còn khó hơn. Khi được hỏi về điều này, Bảo Chung tâm sự: "Tài năng phải đi liền với uy tín. Tôi học theo Bảo Quốc nên chưa bao giờ trễ giờ. Và những người làm việc cùng tôi cũng phải theo đúng giờ giấc của tôi. Có như vậy, công việc mới đạt hiệu quả cao".
Rồi anh lại suy tư: "Người làm tấu hài quan trọng nhất phải có kịch bản mới, hay. Theo tôi, có tài cỡ nào mà kịch bản không hay thì tên tuổi cũng bị hủy diệt. Vì vậy trong mấy chục năm diễn hài, tôi chưa bao giờ thỏa mãn hay nói đũng hơn là không có quyền tự thỏa mãn. Cuộc đời không gì vui bằng tìm được kịch bản vừa ý. Có khi 3-4h sáng đang ngủ ngon, chợt thức giấc vì một ý tưởng mới, tôi bật dậy viết liền vì sợ quên.
Buồn nhất là viết kịch bản mới mà khán giả xem không cười. Nhớ lần viết Bao Công kỳ án, diễn khai trương tại thành phố Vinh, không có ai cười, tôi thức nguyên đêm. Đến 5h sáng làm lại kịch bản mới, tôi lôi người diễn chung dậy tập. 8h sáng, cả đoàn ra Hà Nội. Đêm diễn đó thành công ngoài mong đợi nhưng cũng để lại trong tôi một kỷ niệm nhớ đời".
Trong nghề nghiệp, Bảo Chung sợ nhất là khán giả xem mình diễn xong, chê mình nói nhảm. "Nghĩ lại những kịch bản ngày trước, tôi thấy mắc cỡ vô cùng. Xưa kịch bản hầu như không có cốt truyện, muốn nói gì thì nói, vẫn làm cho khán giả cười. Bây giờ phải xây dựng kịch bản công phu, tạo tình huống cười mới thu hút được sự chú ý của khán giả", anh nói.
Một lần cảm hứng lên, Bảo Chung viết về những ngày tháng lập nghiệp nhọc nhằn của chính cuộc đời mình nhưng không thành công. Có thể anh chỉ nhìn thấy cuộc sống của người khác và đưa họ vào trong kịch bản, tạo nên những tình huống cười rất ăn khách nhưng anh lại không nhìn thấy anh.
Nếu trên đời này, bệnh đa nhân cách là có thật thì Bảo Chung là một ví dụ điển hình. Trên sân khấu anh hài ghê hồn nhưng ngoài đời không bao giờ biết đùa giỡn. Vì thế, anh đã bị không ít khán giả hiểu lầm. Bất chợt gặp anh ở đâu đó, khán giả vui mừng reo lên: "A! Bảo Chung! Cười đi Bảo Chung!". Sân khấu không đúng, anh không cười được, thế là khán giả cho rằng anh không nhiệt tình, giữ khoảng cách với họ. "Tôi quan niệm có được cái duyên trên sân khấu thì ngoài đời mình phải mất mát cái gì đó. Thử hỏi có bao nhiêu người nổi danh mà không phải trả giá", Bảo Chung tâm sự.
Cái giá đầu tiên anh phải trả là một cuộc sống đi vào khuôn khổ. Đối với anh, thuở cơ hàn tuy thiếu thốn vật chất nhưng mỗi khi vãn hát vui lắm, không muốn về nhà. Tất cả anh em trong nhóm ngồi hết ngoài đường nhậu rượu đế, ăn bo bo tới 3-4h sáng, quên hết mọi khó khăn, nghèo khổ. Bây giờ muốn lắm nhưng anh không thể vì phải giữ gìn sức khỏe mới đảm bảo không bể sô, không vỡ giọng. Hơn nữa, bây giờ anh đi đến đâu ai cũng biết nên tới quán mỗi người mời một ly, chưa kịp dọn bàn đã say rồi. Có lần, nghe em út kháo nhau buối tối ngồi bờ kè vui lắm, lòng anh cũng háo hức đi qua đi lại, ngó tới ngó lui, rồi thôi...
Cái giá thứ hai mà anh cảm nhận rõ nhất là sự khó thích nghi. Bất cứ lúc nào anh cũng nhớ tới ngày xưa. Đi Tây đi Tàu nhiều nhưng anh không ăn đồ cao sang được mà chỉ quen với những bữa ăn đạm bạc giống như thời còn nghèo khó. Xưa, anh thấy vui mười thì giờ anh chỉ còn biết lấy sân khấu làm niềm vui duy nhất. Nếu sau này khán giả không còn yêu thích anh nữa, lúc đó anh đi bụi đời cũng chưa hết khổ.
Cái giá thứ ba khiến anh khổ tâm nhất là việc chu toàn cuộc sống gia đình. Nghèo vì vợ chồng cắn dứt nhau nhưng người chồng làm nhiều quá thì cũng không ổn. Người phụ nữ nào chấp nhận làm vợ anh cũng đồng nghĩa với việc sống trong nỗi cô đơn nhiều hơn, vì có khi cả tháng anh đi suốt, chỉ ở nhà có 1 ngày. "Đời nghệ sĩ giống như bông hoa mười giờ. Trong thời gian hé nở, phải chịu khó làm lụng kiếm tiền đẻ đảm bảo cuộc sống sau này. Cố gắng lắm thì đến mười giờ rưỡi, không thì chín giờ rưỡi đã tàn rồi. Vì vậy, rất cần một người vợ hiểu, thông cảm và chia sẻ với mình", anh chia sẻ.
Đi diễn suốt, ông bố Bảo Chung cũng chẳng có thời gian đưa đón con đi học. Hẹn lần hẹn lữa, anh cũng ráng chiều con một lần vì nghe đâu con anh khoe với cả lớp rằng mình có một ông bố nổi tiếng. Chỉ tiếc là chưa bao giờ thấy ông bố nổi tiếng xuất hiện ở lớp học của con.